Luật Thủy sản sửa đổi: bổ sung hướng Tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý (05-12-2016)
Sáng ngày 2/12/2016, tại Hà Nội, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) tổ chức Hội thảo “Tham vấn kỹ thuật xây dựng Luật Thủy sản sửa đổi. Chuyên đề: đồng quản lý và tiếp cận hệ sinh thái”. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân tham dự và chủ trì Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện các Bộ, ngành có liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Bình Định; Ban quản lý Vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Vườn quốc gia Cát Bà; các chuyên gia, các dự án, tổ chức phi chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý nghề cá.
Tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý trong quản lý nghề cá ở Việt Nam là các phương thức quản lý tổng hợp nhằm duy trì sự phát triển bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, duy trì và phát triển hệ sinh thái thủy sinh, bảo đảm sinh kế cho người dân. Những hoạt động áp dụng tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá như: Năm 2003, FAO đã ban hành hướng dẫn nghề cá có trách nhiệm trong đó nhấn mạnh về quan điểm tiếp cận hệ sinh thái đối với quản lý nghề cá. Năm 2005, FAO đã xuất bản hướng dẫn áp dụng mô hình quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái và áp dụng chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới. SEAFDEC đã tổ chức tập huấn quy trình xây dựng kế hoạch quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái cho các nước trong khu vực và Việt Nam. SEAFDEC cũng đã hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án xây dựng kế hoạch quản lý nghề lưới kéo tại Kiên Giang dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT 1 và 2 tổ chức tập huấn về quy trình xây dựng kế hoạch quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái cho cán bộ làm công tác quản lý thủy sản ở các tỉnh ven biển.
Tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá ở Việt Nam được sử dụng dưới nhiều cách khác nhau như xây dựng khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phân vùng khai thác thủy sản, thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, trồng rừng ngập mặn, thả rạn nhân tạo,.. Tuy nhiên, cho đến nay, lý thuyết và cơ chế, chính sách hỗ trợ triển khai thực hiện đồng quản lý và tiếp cận hệ sinh thái trong quản lý nghề cá ở nước ta vẫn chưa đầy đủ. Nhu cầu thực tế cho thấy cần đưa các quy định về tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý trong quản lý nghề cá vào các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, cụ thể là tại Luật Thủy sản sửa đổi.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về Dự thảo nội dung Quy định tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý tại dự thảo Luật Thủy sản sửa đổi, cũng như các tham luận về các vấn đề như: sự cần thiết áp dụng tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý trong quản lý nghề cá ở Việt Nam; góc nhìn của NGO về tổng quan tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý trong quản lý nghề cá tại Việt Nam; bài học kinh nghiệm thực tế triển khai tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý trong quản lý nghề cá tại vịnh Quy Nhơn, Bình Định và bài học kinh nghiệm thực tế triển khai tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam.
Hà Kiều